Liệu bạn có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD không?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Mỗi năm, căn bệnh này đã lấy đi khoảng 3 triệu mạng người trên toàn thế giới. Vì vậy, bạn cần nhận biết các nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính để có thể phòng tránh chúng.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường phát triển chậm và xấu đi theo thời gian. Trong giai đoạn đầu, người bị phổi tắc nghẽn mạn tính có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, việc phòng ngừa và điều trị sớm có thể giúp bạn ngăn ngừa tổn thương phổi nghiêm trọng, giảm các vấn đề về hô hấp hay thậm chí là suy tim
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng rối loạn thường tiến triển nặng dần, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở và không thể hồi phục hoàn toàn. Biểu hiện của bệnh bao gồm khó thở, thở khò khè, ho và khạc đờm tăng dần.
Quá trình điều trị COPD bắt đầu từ việc dừng hút thuốc, dùng các thuốc giãn phế quản và Corticoid. Ngoài ra, liệu pháp oxy dài hạn giúp cải thiện tỷ lệ sống ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nặng.
Vì vậy đầu tiên, bạn cần quan sát các dấu hiệu của bản thân xem có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không. Sau đây là những yếu tố khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
Hút thuốc
Yếu tố nguy cơ chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chính là hút thuốc, gây ra tới 90% nguyên nhân tử vong do COPD. Theo thống kê, những người hút thuốc có nguy cơ tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 13 lần so với những người không hút thuốc.
Tiếp xúc lâu dài với khói thuốc lá là vô cùng nguy hiểm. Khi bạn hút thuốc càng lâu và càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính càng cao bấy nhiêu. Bên cạnh đó, những người hút thuốc lào hay xì gà cũng có nguy cơ tương tự.
Tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động có thể làm tăng nguy cơ phát triển COPD. Khói thuốc lá thụ động bao gồm cả khói của điếu thuốc khi bị đốt và khói thuốc phả ra từ người hút.

Không khí ô nhiễm
Mặc dù hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính đối với COPD nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Nguồn ô nhiễm ở trong nhà hay ngoài trời đều gây ra tình trạng phổi tắc nghẽn mạn tính khi tiếp xúc quá nhiều hoặc lâu dài. Ô nhiễm không khí trong nhà bao gồm các hạt vật chất từ khói nhiên liệu được sử dụng để nấu ăn và sưởi ấm, ví dụ như bếp củi, bếp ga hoặc đốt than, ni lông.
Ô nhiễm môi trường là một nguy cơ khác. Ô nhiễm không khí đô thị do giao thông và đốt cháy các chất như rác, gây nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao trên toàn thế giới.
Bụi và các hóa chất nghề nghiệp
Tiếp xúc lâu dài với bụi công nghiệp, hóa chất và khí thải có thể gây kích ứng và làm viêm đường thở, viêm phổi, từ đó tăng nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Những người tiếp xúc với bụi và hơi hóa chất như thợ khai thác than, xử lý ngũ cốc và thợ đúc kim loại, có khả năng phát triển COPD cao hơn.
Di truyền
Trong một số ít trường hợp, những người không hút thuốc hay tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm vẫn phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Lý do là vì các rối loạn di truyền dẫn đến thiếu hụt protein alpha 1 (α1) — antitrypsin (AAT). Tuy vậy, các nhà nghiên cứu còn nghi ngờ rằng một số gen khác liên quan đến quá trình sinh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tuổi tác
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi và có tiền sử hút thuốc. Tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng theo độ tuổi. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện các phương pháp bảo vệ sức khỏe, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và quan trọng là bạn nên đi thăm khám sức khỏe thường xuyên.
Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Chẳng hạn như chụp X-quang phổi để giúp tìm ra các dấu hiệu COPD như phổi căng phồng quá mức hay khí phế thũng. Một trong những xét nghiệm hữu ích nhất mà các bác sĩ sử dụng để chẩn đoán COPD là xét nghiệm chức năng phổi, như phép đo phế dung. Bác sĩ sẽ đánh giá khả năng hít vào và thở ra đúng cách trong phép đo phế dung, từ đó xác định xem bạn có bị COPD hay không và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Kết luận
Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về các nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu trên 45 tuổi và trong gia đình đã có người mắc COPD hay bạn từng hút thuốc trước đây. Việc phát hiện sớm bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính chính là chìa khóa giúp điều trị bệnh thành công. Bên cạnh đó, bạn cũng nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.